Nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động về chế độ chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện...Thời gian qua, thị xã Phú Thọ đã đặc biệt quan tâm công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, rà soát về việc thực hiện mức lương tối thiểu vùng đối với các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đóng trên địa bàn.
Theo đó, thực hiện Nghị định số 90/2019/NĐ-CP, ngày 15/11/2019 của Chính Phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Thị xã Phú Thọ đã ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đóng trên địa bàn thị xã nghiêm túc thực hiện áp dung mức lương tối thiểu vùng thuộc vùng III là 3.430.000 đồng/tháng từ ngày 1/1/2020, mức lương mới sẽ tăng hơn mức lương năm 2019 là 5,3%. Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ quan chức năng căn cứ các văn bản chỉ đạo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Thọ hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng hệ thống thang bảng lương đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, trên cơ sở đánh giá, căn cứ tình hình thực tế từng vị trí công việc được giao trong doanh nghiệp. Đồng thời thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện áp dụng mức lương tối thiểu vùng của các doanh nghiệp, kịp thời phản ánh, chấn chỉnh những doanh nghiệp chưa triển khai, thực hiện nghiêm mức lương tối thiểu vùng và chưa thực sự quan tâm đến chế độ của người lao động; tuyên truyền, khuyến khích các doanh nghiệp quan tâm đào tạo nghề tại doanh nghiệp, thi nâng bậc đối với lao động đủ điều kiện. Đến nay, qua kiểm tra, rà soát trên địa bàn thị xã có 100% doanh nghiệp đã thực hiện áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP của Chính Phủ, trong đó có 32 doanh nghiệp đăng ký hệ thống thang lương, bảng lương và 110 doanh nghiệp có quyết định bổ sung điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng từ mức 3.250.000 đồng/ tháng lên mức 3.430.000 đồng/ tháng và công thêm ít nhất 7% theo quy định đối với người lao động đã qua đào tạo. Một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuộc khu công nghiệp Phú Hà tự nguyện trả lương cho người lao động theo mức lương tối thiểu với vùng II, phù hợp với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thểcác doanh nghiệp đang áp dụng chi trả lương theo 2 hình thức: khối sản xuất áp dụng chi trả mức lương thấp nhất là 3.430.00 đồng, cao nhất là 12.832.000 đồng; khối quản lý, văn phòng áp dụng mức lương thấp nhất là 3.530.000 đồng, mức lương cao nhất là 22.800.000 đồng. Như vậy cách tính lương, mức lương ghi trong hợp đồng lao động trong các loại hình doanh nghiệp được phân theo các khối doanh nghiệp do nhà nước năm giữ 100% vốn điều lệ; doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước; doanh nghiệp ngoài quốc doanh; doanh nghiệp FDI. Căn cứ vào mức lương tối thiểu vùng đã áp dụng, các doanh nghiệp đã thỏa thuận với người lao động điều chỉnh các mức lương trong thang, bảng lương, mức lương ghi trong hợp đồng lao động và mức lương trả cho người lao động đảm bảo, phù hợp. Các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện và các chế độ khác theo quy định vẫn được giữ nguyên, không bị cắt giảm hoặc xóa bỏ. Trên thực tế nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thị xã đã thực hiện chi trả lương cho người lao động cao hơn so với mức lương tối thiểu vùng, đối với những lao động có tay nghề, trình độ cao đã qua đào tạo được doanh nghiệp chi trả tiền công, tiền lương thỏa đáng, qua đó đã góp phần động viên người lao động yên tâm lao động, sản xuất.
Có thể khẳng định, việc thực hiện nghị định 90/2019/NĐ-CP của Chính Phủ trên địa bàn thị xã đã có những tác động tích cực đối với người lao động và doanh nghiệp, giúp người lao động cải thiện thu nhập. Đồng thời, là cơ sở pháp lý đối với các doanh nghiệp để điều chỉnh thỏa ước lao động, xây dựng thang bảng lương, quy chế nâng bậc, điều chỉnh lương cụ thể đối với từng chức danh nghề nghiệp và xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp, hiệu quả.